Chementos tham gia Hội thảo “Tổng quan và những cập nhật trong quy định về quản lý hóa chất tại Việt Nam”
Ngày 30/06/2022, Chementors đã tham dự Hội thảo “Tổng quan và những cập nhật trong quy định về quản lý hóa chất tại Việt Nam” do Global Product Compliance và E&H Consulting tổ chức.
Buổi hội thảo tập trung vào 05 chủ đề chính:
- Hệ thống các quy định về quản lý hóa chất tại Việt Nam
- Các nội dung chính của Nghị định 113/2017/NĐ-CP, những sửa đổi và các cột mốc thời gian.
- Quy định mới về hóa chất nằm trong công ước về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs)
- Cập nhật về Danh mục hóa chất quốc gia Việt Nam (NCI)
- Định hướng phát triển trong tương lai về sự tuân thủ quy định hóa chất ở Việt Nam
Nghị định 113/2017/NĐ-CP đang trong quá trình sửa đổi bổ sung. Trong lần sửa đổi này, dự kiến sẽ có những cập nhật trong danh sách các hóa chất bị hạn chế (theo Công ước Stockholm), các hóa chất bị cấm (theo Công ước về Vũ khí Hóa học) và các hóa chất cần kiểm soát đặc biệt khi nhập khẩu. Các loại sản phẩm hóa chất được miễn trừ không thuộc phạm vi của Nghị định 113 cũng sẽ được công bố. Bản sửa đổi lần này cũng sẽ làm rõ điều khoản về thời hạn của giấy phép sản xuất và buôn bán các hóa chất công nghiệp bị hạn chế. Là một trong ba quy định chủ chốt về hóa chất tại Việt Nam, việc sửa đổi Nghị định 113 được cho là sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động quản lý hóa chất.
Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP). Chementors đã có cơ hội tham gia vào chuỗi dự án của UNDP (Chương trình Phát triển của Liên hợp Quốc) về Hóa học xanh tại Việt Nam trong suốt 3 năm với vai trò đơn vị tư vấn quốc tế. Dự án tập trung vào nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng và phát thải POP và các hóa chất nguy hại khác thông qua việc giới thiệu và thúc đẩy mô hình Hóa học xanh vào một số ngành công nghiệp chủ chốt. Giờ đây, thành quả của dự án đang được hiện thực hóa.
Quy định mới về POP đang được xây dựng nhằm quản lý hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, và sử dụng POP dưới dạng đơn chất, hoặc hỗn hợp, hoặc sản phẩm, tại thị trường Việt Nam. Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về nồng độ cho phép của POP trong nguyên liệu, nhiên liệu, sản phẩm, và thiết bị, cũng đang được thiết lập, theo đó từng giá trị nồng độ giới hạn cụ thể sẽ được ấn định cho từng hóa chất POP cụ thể. Một số chất POP nhất định cũng sẽ được thêm vào danh sách các hóa chất hạn chế sử dụng, và do đó sẽ phải tuân thủ những yêu cầu chuyên biệt của Nghị định 113/2017/NĐ-CP áp dụng lên danh sách này.
Trong suốt 3 năm, dưới vai trò đơn vị tư vấn quốc tế,
Chementors
tham gia vào chuỗi dự án của UNDP về giảm thiểu việc sử dụng và phát thải POP tại Việt Nam thông qua việc thúc đẩy mô hình Hóa học xanh”
Từ 2016 đến 2021, Hệ thống Danh mục hóa chất quốc gia của Việt Nam (NCI) đã được mở 5 lần để các doanh nghiệp nộp đề xuất hóa chất vào cơ sở dữ liệu này. Cho đến tháng 6 năm 2022, khoảng 12.400 chất đã được phê duyệt trong cơ sở dữ liệu của NCI. Chính phủ Việt Nam hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hóa chất mới chưa được liệt kê trong NCI. Trong tương lai, các hóa chất mới (*) và hóa chất ngoại (**) sẽ phải tuân theo quy trình đăng ký bao gồm các bước đăng ký, kiểm tra, và phê duyệt để có thể được liệt kê trong cơ sở dữ liệu của NCI trước khi vào thị trường Việt Nam. Các trường hợp miễn trừ, không thuộc diện đăng ký NCI, cũng sẽ được đề cập trong Nghị định này.
Để lưu hành trong thị
trường Việt Nam,
hóa chất mới và hóa chất ngoại sẽ phải trải qua thủ tục đăng ký NCI”
Đội ngũ Chementors luôn sẵn sàng để hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật các sửa đổi trong quy định về hóa chất và tuân thủ những sửa đổi đó.
*) hóa chất chưa được liệt kê trong NCI hoặc trong danh mục thống kê hóa chất của nước ngoài mà được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.
**) hóa chất chưa được liệt kê trong NCI nhưng nằm trong danh mục thống kê hóa chất của nước ngoài mà được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.